Thông báo
Làm sạch tất cả
Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946) tên tục là Trần Thanh Nhàn, sinh tại xứ Bang Dầy, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Ngài là con trai duy nhất (thứ năm) của cụ ông Trần Chí Hiếu và cụ bà Dương Mỹ Hậu. Năm 12 tuổi, ngài phát tâm tu theo đạo Minh Sư, ba năm sau đại nguyện trường trai, học đạo với Thái Lão Sư Trần Đạo Cửu. Năm Canh Dần (1890), ngài xuất gia tu hành, qua Nhị Bộ năm 1891 và Tam Bộ năm 1892, là những bậc tu trong đạo Minh Sư. Năm Canh Tuất (1910), ngài tiếp tục tu lên Tam Thừa, được ban đạo hiệu là Trần Đạo Quang, phẩm Đại Lão Sư, năm 45 tuổi. Lúc này ngài về trụ trì Linh Quang tự ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Vào năm Ất Sửu (1925), vâng lịnh Đức Chí Tôn, quý ngài: Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Lê Bá Trang, Nguyễn Văn Kinh... đến đề nghị lập đàn tại Linh Quang tự. Giờ Tý ngày 09 tháng 09 năm Ất Sửu, đàn cơ thiết lập tại Linh Quang tự, Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài giáng dạy ngài Trần Đạo Quang nên qui hiệp về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để tận độ chúng sanh cho kịp cơ đại ân xá. Sau khi bạch hỏi vài điều, ngài tuân mạng.
Rằm tháng Giêng năm Bính Dần (1926), ngài Trần Đạo Quang lên chùa Gò Kén Tây Ninh thọ mạng Thượng Đế, qui hiệp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (1926), ngài cùng 27 vị Tiền Bối Khai Đạo khác đứng tên trong tờ Khai Đạo gởi lên Thống Đốc Nam Kỳ công khai mối đạo.
Ngày 12 tháng 12 năm Bính Dần (1926), Đức Chí Tôn ân phong cho ngài Trần Đạo Quang phẩm Quyền Chưởng Pháp phái Thượng. Một vài năm sau, ngài được ân phong Ngọc Chưởng Pháp.
Tin ngài Thái Lão Sư Trần Đạo Quang qui hiệp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không mấy lúc đã loan truyền khắp cả giới đạo Minh Sư ở Nam và Trung Kỳ, gây cho toàn đạo Minh Sư, chư đệ tử của ngài một sự kinh ngạc, xúc động và hoang mang. Khắp nơi lập tức gởi người về Sài Gòn hỏi ý kiến, khuyên can ngài, không dằn được bực tức đến hờn trách ngài. Vì họ coi đây như là việc bỏ Đạo, giữa đường bỏ họ.
Ngài đã giải thích cho toàn bổn đạo Minh Sư, đệ tử ngài thông cảm. Ngài khuyên những vị nào nhận hiểu kịp thì theo đường qui hiệp của ngài, bên muốn tự tu cầu giải thoát giữ nguyên đường lối Minh Sư, ngài sẽ chỉ giáo cho, hoặc nhờ các vị Lão Sư bảo cử dẫn tấn hướng dẫn... Về sau trong hàng đệ tử ngài, nhiều vị hiểu được dìu dắt bổn đạo theo đường qui hiệp Cao Đài với ngài; một số giữ nguyên đường lối Minh Sư như ngài đã dặn, còn một số gia nhập theo phái Nam Tông Minh Sư do Lão Sư Đinh, người Gò Công, hướng dẫn, như hiện nay ở Quảng Nam có chùa Nam Tông Phật Đường toàn là đệ tử ngài trước kia.
Thời gian sau đó ngài Trần Đạo Quang được xếp cùng nhóm với các ngài: Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Ngọc Thơ, Lâm Ngọc Thanh… đi khắp nơi Định Tường, Gò Công, Trà Vinh, Vĩnh Long… phổ độ được các giới đồng bào ngưỡng mộ nhập Đạo rất đông, và một số bổn đạo Minh Sư cũng về với đạo Cao Đài.
Năm 1931, ngài Phối Sư Thái Ca Thanh rút khỏi Tòa Thánh Tây Ninh về Mỹ Tho lập chi phái Minh Chơn Lý, ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang hợp tác với Minh Chơn Lý.
Ngày 15 tháng 7 năm Tân Tỵ (dl. 28-8-1931), Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt mở Tòa Tam Giáo lần thứ hai xét xử các vị Chức sắc phạm vào Thập Hình của Đức Lý, trong đó có ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (Phải ăn năn sám hối), Phối Sư Thái Ca Thanh (Ngưng chức 1 năm).
Sau đó thấy ngài Ca và ông Phùng sửa đổi hết cách thờ phượng, nên ngài Trần Đạo Quang rút khỏi Minh Chơn Lý, xuống Bạc Liêu hợp với ông Cao Triều Phát mở ra chi phái Minh Chơn Ðạo năm 1935. Từ đó ngài không trở về hành đạo với Toà Thánh Tây Ninh nữa. Tuy lập các chi phái, nhưng ngài vẫn hành đạo ở chi phái với phẩm vị Ngọc Chưởng Pháp được ân phong ở Toà Thánh Tây Ninh.
Từ năm 1941 về sau, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang về ngụ tại Linh Quang tự vì lý do sức khoẻ cần nghỉ ngơi.
Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang liễu đạo vào giờ Dậu ngày 17 tháng 2 năm Bính Tuất (1946), hưởng thọ 77 tuổi.
Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang liễu đạo nhằm lúc chiến tranh Việt-Pháp đang khốc liệt nên lễ an táng nhục thể ngài cử hành lặng lẽ và an táng tại mộ địa của chùa Linh Quang ở gần chùa.
Năm 1953, chiến tranh lan tràn, phi trường Tân Sơn Nhứt càng mở rộng, chùa Linh Quang và mộ địa bắt buộc phải dời ra khỏi phạm vi phi trường. Phần mộ của ngài được dời tạm thời về nghĩa địa Gia Định họ Lê ở Thông Tây Hội, Gò Vấp, tỉnh Gia Định để khi thời cuộc an bình thì sẽ xin di táng mộ phần ngài một lần nữa đưa về Tòa Thánh Tây Ninh hoặc đến nơi thánh lâm mộ địa khang trang xây dựng một bửu tháp.
Khi bổn đạo Minh Sư mua đất xây dựng lại Linh Quang Phật Đường ở Hóc Môn thì mộ phần của ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang được dời về đây và xây dựng bửu tháp khang trang.
(Tư Facebook Sử Kiến Nguyên)
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 13/06/2022 2:25 sáng